Tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người
Thời gian gần đây, ô nhiễm không khí ở Hà Nội do sự cố môi trường hay nồng độ khói bụi dày đặc gây ô nhiễm không khí ở TP HCM đang được dư luận hết sức quan tâm. Vậy ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người thế nào?
1. Bản chất ô nhiễm không khí
Không khí ô nhiễm tồn tại xung quanh chúng ta và rất khó để tránh khỏi, kể cả đối với những người đang sống ở những khu vực phát triển giàu có. Nồng độ khói bụi nhìn thấy được trong không khí không thể phản ánh được mức độ trong lành của môi trường sống. Trên khắp thế giới, môi trường ở cả thành phố hay vùng quê đều có các chất ô nhiễm độc hại trong không khí vượt quá giá trị chất lượng không khí trung bình WHO khuyến nghị. Ở khu vực châu Âu, gần như mọi công dân đều bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Hàng năm, hơn 90% người dân phải tiếp xúc với nồng độ những hạt bụi mịn ngoài trời cao hơn các chỉ tiêu về chất lượng không khí WHO đưa ra. Tổ chức này cho biết các máy đo ô nhiễm trực tuyến sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về không khí ô nhiễm ở nơi mà họ đang sinh sống hơn là nhìn bằng mắt thường.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 6 chất chính gây ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe người bao gồm:
- Oxit nitơ (NOx);
- Oxit lưu huỳnh (SOx);
- Cacbon monoxit (CO);
- Chì;
- Ozon tầng mặt đất;
- Các hạt vật chất khí quyển lơ lửng.
Trong số đó, các hạt bụi mịn với kích thước nhỏ hơn 2.5 micron (PM 2.5) đáng được bận tâm nhất, vì chúng có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, ảnh hưởng đến cả hệ hô hấp và hệ thống mạch máu. Tình trạng sức khỏe bị ảnh hưởng của con người có nghiêm trọng hay không sẽ tùy thuộc vào mức độ và thời gian tiếp xúc với không khí ô nhiễm.
Các hạt bụi mịn với kích thước nhỏ hơn 2.5 micron là đáng bận tâm nhất, vì chúng có khả năng xâm nhập sâu vào phổi
2. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người thế nào?
Ô nhiễm không khí hiện được xem là mối đe dọa sức khỏe môi trường lớn nhất thế giới. Một nửa dân số trên thế giới không được tiếp cận với nhiên liệu hoặc công nghệ sạch, 9/10 người trong số này đang phải hít không khí ô nhiễm, và có đến 7 triệu người bị giết chết mỗi năm vì ô nhiễm không khí.
Mức độ ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người là rất nghiêm trọng, tương đương với tác hại của việc hút thuốc lá, và cao hơn nhiều so với tác động từ thói quen ăn quá nhiều muối. Cụ thể, 1/3 số ca tử vong do đột quỵ, ung thư phổi và các bệnh tim mạch là do ô nhiễm không khí. Các chất ô nhiễm cực nhỏ trong không khí có thể lọt qua hệ thống miễn dịch của cơ thể, xâm nhập sâu vào hệ hô hấp và tuần hoàn, sau đó dần làm hỏng phổi, tim và não của con người.
Ô nhiễm không khí vừa là nguyên nhân hình thành, vừa là yếu tố làm trầm trọng thêm một số bệnh, từ hen suyễn cho đến bệnh tim mạch, ung thư phổi, phì đại tâm thất, bệnh Alzheimer và Parkinson, biến chứng tâm lý, tự kỷ, bệnh võng mạc... Các hạt bụi mịn và siêu mịn - một trong những thành phần chính của không khí ô nhiễm, đã được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế xếp vào nhóm chất gây ung thư cho con người.
Tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người đang ngày càng được quan tâm khi các nghiên cứu đã chứng minh có mối liên hệ giữa một số bệnh nghiêm trọng giữa các nhóm tuổi khác nhau và ô nhiễm không khí. Chẳng hạn như:
- Biến chứng thần kinh và tâm lý;
- Kích ứng mắt;
- Các bệnh ngoài da;
- Các bệnh mãn tính lâu dài như tiểu đường, ung thư...
- Ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi, khiến bé bị sinh non, sinh nhẹ cân.
Theo ước tính gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới, việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm là một yếu tố rủi ro đối với vài căn bệnh nguy hiểm hơn những gì chúng ta từng nghĩ trước đây. Ô nhiễm không khí là tác nhân lớn nhất dẫn đến gánh nặng bệnh tật có nguồn gốc từ môi trường.
Ô nhiễm không khí là tác nhân lớn nhất dẫn đến gánh nặng bệnh tật có nguồn gốc từ môi trường
3. Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu
Ô nhiễm không khí có liên quan chặt chẽ với biến đổi khí hậu, trong đó quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch vừa gây biến đổi khí hậu, vừa là tác nhân chính gây ô nhiễm không khí. Do đó những nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng có thể cải thiện không khí bị ô nhiễm, và ngược lại. Gần đây, Hội đồng liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng nếu quy trình sản xuất nhiệt điện từ đốt than không kết thúc vào năm 2050, nhiệt độ của Trái Đất sẽ tăng hơn 1,5 độ C và chúng ta có thể chứng kiến một cuộc khủng hoảng khí hậu lớn trong vòng 20 năm tới.
Nếu những nỗ lực giảm ô nhiễm không khí có thể đáp ứng được các mục tiêu đã đề ra trong Thỏa thuận Paris nhằm chống biến đổi khí hậu, khoảng 1 triệu người trên toàn thế giới sẽ cứu sống mỗi năm. Xét về thiệt hại kinh tế, việc giải quyết các vấn đề sức khỏe do ô nhiễm không khí được ước tính đã tiêu tốn hơn 4% GDP của 15 quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất.
WHO cho rằng các nguồn năng lượng gây ô nhiễm hiện nay đã tạo ra những gánh nặng lớn về sức khỏe, do đó rất cần chuyển sang những lựa chọn sạch hơn và bền vững hơn để cung cấp năng lượng và vận chuyển hệ thống thực phẩm một cách hiệu quả. Hội nghị toàn cầu đầu tiên về ô nhiễm không khí và sức khỏe sẽ nâng cao nhận thức về tác hại và rủi ro đến sức khỏe cộng đồng, cũng như chia sẻ thông tin về những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí.
Cùng với sự gia tăng dân số và nhiệt độ Trái Đất nóng dần lên, không khí mà con người hít thở mỗi ngày cũng đang bị ô nhiễm trầm trọng do các động cơ và quy trình công nghiệp vẫn tiếp tục thải ra rất nhiều khí bẩn. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người, là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật và một yếu tố chính dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Do đó, các biện pháp thiết thực để giảm ô nhiễm không khí ở Hà Nội hay TP HCM là rất quan trọng, cần được quan tâm và đầu tư thực hiện nhiều hơn nữa.
Nguồn tham khảo: Tổ chức Y tế Thế giới WHO