Những dấu hiệu cảnh báo cơ thể bị thiếu nước bạn không nên bỏ qua!

Nước chiếm tới 70% cơ thể chúng ta, nước là một trong những yếu tố cần thiết giúp duy trì hoạt động của cơ thể. Vì vậy, thiếu nước sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của chính bạn. Dấu hiệu nào giúp bạn nhận biết được cơ thế mình đang bị thiếu nước?

 

Vai trò của nước

Để tồn tại, tất cả chúng ta cần phải có nước. Đói chúng ta còn có thể cầm cự một thời gian, nhưng thiếu nước, mất nước trong một vài giờ là cơ thể ta sẽ rơi vào tình trạng lâm nguy. Chúng ta nên biết, uống đủ nước sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh vì nước điều khiển mọi hoạt động trong cơ thể. Đồng thời, nước là một thành phần quan trọng của quá trình trao đổi chất cần thiết cho sự sống. Uống không đủ nước sẽ gây nhiều biến chứng nghiêm trọng..., có thể dẫn đến tử vong.

Bạn cũng nên nhớ rằng trà, cafe, nước trái cây, nước tăng lực... không phải là những thức uống tối cần thiết cho cơ thể. Hơn thế nữa, cafe và nước tăng lực chứa nhiều cafein sẽ làm cho cơ thể bạn háo nước, mất nước.

Nếu đợi thấy đói, khát mới uống nước thì khi đó cơ thể đã thiếu nước trầm trọng

 

Khi nào cơ thể bạn thiếu nước?

Hãy lắng nghe tiếng nói của cơ thể, khi thiếu nước, cơ thể bạn sẽ lên tiếng báo động bằng những biểu hiện như sau:

1. Da khô

Một số chị em cho rằng, các loại kem dưỡng da, son môi… mà họ sử dụng đã làm cho da họ bị khô hơn. Điều này cũng đúng vì các hóa chất đã hút hết nước trên da. Còn nếu trong trường hợp không dùng các sản phẩm mỹ phẩm này mà da bạn vẫn khô thì bạn nên nghĩ đến một khả năng là do bạn không uống đủ nước.  Lượng nước trong cơ thể không đủ để cung cấp, giữ ẩm cho các cơ quan, đặc biệt là da nên dẫn tới khô da và các cơ quan khác làm việc không tốt. Da của bạn trông sẽ tươi sáng và căng hơn khi bạn cung cấp đủ nước cho cơ thể, ngược lại làn da của bạn sẽ khô, thiếu sức sống và dễ bị lão hóa.

2. Miệng khô

Giảm tiết nước bọt sẽ khiến bạn cảm thấy khô miệng, khô họng hơn bình thường. Việc này xảy ra là do cơ thể bị thiếu nước. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý đến một số thuốc khi dùng sẽ gây nên tác dụng ngoại ý là làm khô miệng như antihistamine... Hãy uống nhiều nước lọc để bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể.

3. Thấy đói ngay cả khi ăn

Một trong những nguyên nhân chính khiến bạn cảm thấy đói ngay sau bữa ăn là do cơ thể bạn thiếu nước. Nếu uống đủ nước, cơn đói sẽ giảm đáng kể. Bạn có thể uống 1 cốc nước 30' trước khi ăn, và sau khi ăn 30' mới nên uống nước để tránh ảnh hưởng đến việc tiêu hóa của dạ dày.

4. Cơ thể mệt mỏi, mất tập trung

Mệt mỏi là cơ chế thông minh của não bộ giúp bảo vệ cơ thể trước tình trạng thiếu nước. Alfred Spears, nhà nghiên cứu y sinh tại Bệnh viện Johns Hopkins (Mỹ) cho biết, khi phải hoạt động trong tình trạng thiếu nước, não bộ sẽ chỉ huy các bộ phận giảm hiệu suất làm việc để bảo toàn lượng nước hiện có. Đây chính là nguyên nhân gây nên tình trạng mệt mỏi, uể oải mỗi khi bạn không kịp bổ sung nước cho cơ thể, đặc biệt trong tiết trời nắng nóng.

5. Dễ bị táo bón, viêm đường tiết niệu

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc tiêu hóa kém là do bạn uống nước quá ít. Bởi lúc này, dạ dày không đủ nước để tiêu hóa thức ăn nên dễ gây viêm loét và trào ngược axit. Các nghiên cứu cho thấy nước có thể cân bằng độ pH cho dạ dày và làm giảm các triệu chứng trào ngược axit hiệu quả.

Ngoài ra, thiếu nước còn gây táo bón bởi nước là chất giúp thực phẩm di chuyển qua ruột dễ dàng hơn. Nếu cơ thể bị mất nước, ruột già sẽ tận dụng bất cứ lượng nước nào có thể lấy từ thực phẩm đi qua ruột, từ đó làm nó trở nên quá khô và gây ra táo bón.

 

Và một vài biểu hiện khác như:

 

6. Đi tiểu ít:

Một người khỏe mạnh trung bình đi tiểu khoảng 6 - 7 lần/ngày. Tuy nhiên, con số này mỗi người một khác vì số lượng nước hàng ngày họ tiêu thụ khác nhau. Nhưng nếu bạn đi tiểu dưới 2-3 lần trong ngày hoặc không đi tiểu được trong hàng giờ liền thì bạn nên uống bổ sung nước ngay... vì đây chính là dấu hiệu báo động cơ thể bạn đang thiếu nước. Nếu bạn uống không đủ nước sẽ gây khó khăn cho thận vì không thể lọc các chất cặn bã và bài tiết ra khỏi cơ thể.

7. Nhức đầu

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên nhưng nhiều khi nhức đầu lại là do mất nước. Kiểu nhức đầu này hơi khác các cơn đau đầu thông thường. Bạn có cảm giác đau nhiều hơn với mọi tư thế chuyển động, chẳng hạn như khi bạn cúi gập người để lấy một vật gì đó, đi lên đi xuống cầu thang, cơn đau trở nên nặng nề hơn. Đau đầu loại này thường là do uống không đủ nước hoặc ra mồ hôi nhiều quá.

8. Màu sắc của nước tiểu

Khi nước tiểu bạn có màu nâu sẫm, vàng sậm, đục... cũng là dấu hiệu bị thiếu nước. Bạn nên uống nhiều nước ngay, khi cơ thể đủ nước thì nước tiểu sẽ trong.

9. Hoa mắt, ù tai

Thỉnh thoảng bạn hơi choáng, đừng quá lo lắng... vì có thể là biểu hiện thiếu nước. Uống nước nhiều giúp máu lưu thông dễ dàng, đưa máu đến nuôi tế bào thần kinh thính giác ở tai trong giúp cải thiện triệu chứng ù tai, choáng.

 

Vậy uống nước thế nào là tốt cho sức khỏe?

Tiến sĩ William Roberts, người sáng lập Viện Y học Thế giới đã đưa ra vài lời khuyên sau:

- Không nên uống quá nhiều nước cùng một lúc mà nên uống cách khoảng để cơ thể hấp thụ từ từ sẽ tốt cho sức khỏe hơn.

- Không nên đợi khát mới uống nước, bởi vì khát đã là dấu hiệu báo động cơ thể đang mất nước khá nhiều. Do đó, bạn nên chủ động uống nước vào nhiều thời điểm trong ngày để tốt hơn cho sức khỏe.

- Quan sát nước tiểu để xem lượng nước bạn nạp mỗi ngày là đã đủ liều chưa. Nước tiểu có màu vàng đậm là bạn cần uống thêm nước, ngược lại nước tiểu có màu vàng sáng và trong là bạn đang uống đủ nước mỗi ngày.

Qua đây, chúng ta đã tìm hiểu được các tác hại của việc uống ít nước. Do đó, hãy cố gắng nạp ít nhất 1,5 lít nước mỗi ngày để duy trì sức khỏe ở mức ổn định bạn nhé!

 

Nguồn: suckhoevadoisong

Danh sách so sánh